1. Vị trí
Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu tọa lạc tại xóm Trung Linh, xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cách Tòa Giám Mục Bùi Chu khoảng 2 km về phía Tây Bắc.
2. Lược sử thành lập Dòng
Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi ra đời trong bối cảnh đất nước Việt Nam vừa bị áp bức bởi Pháp và Nhật, người dân rơi vào cảnh đói khổ, bệnh tật, thất học, hàng triệu người chết vì đói. Khi đó Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vừa thoát khỏi cảnh bách hại đạo của triều Nguyễn, và bắt đầu bước vào giai đoạn canh tân hàng tu sĩ theo lời mời gọi của Công Đồng Đông Dương. Trong bối cảnh này, ơn gọi tận hiến cho Chúa trong Giáo phận Bùi Chu không ngừng gia tăng, lúc đó có tới 12 Nhà Phước, chị em sống đời cộng đoàn, dấn thân phục vụ người nghèo và đau khổ nhưng chưa có lời khấn công khai theo Giáo luật quy định.
Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, với sự trợ giúp của Mẹ Maria Mân Côi, Đức Cha cố Maria Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn, nguyên Giám mục Giáo phận Bùi Chu đã thiết lập một Dòng nữ thuộc quyền Giáo phận để thâu nhận những thiếu nữ muốn đáp lại tiếng Chúa, dâng hiến cuộc đời phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm, sống đời sống cộng đoàn và tham gia hoạt động truyền giáo, đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội và xã hội địa phương.
Do Thế Chiến Đệ Nhị, Đức Cha cố Đôminicô phải đệ đơn lên tòa thánh lập dòng đến hai lần (24/11/1941 và 10/06/ 1946). Ngày 18/07/ 1946 được Tòa Thánh vui mừng gửi văn thư cho phép lập dòng. Ngày 08/09/1946, Đức Cha cố đã tuyên sắc lập Dòng tại Trung Linh nhân dịp lễ Sinh Nhật Đức Mẹ. Lớp tập đầu tiên có 17 người, tổng số chị em vào dòng là 196 chị từ 12 nhà Phước trong Giáo phận. Các chị lần lượt được tuyển vào nhà tập, những ai không đủ điều kiện cho hồi tục hoặc vẫn tiếp tục sống trong dòng như một chị nhà Phước, nhưng không tuyên khấn.
Đang lúc Hội Dòng bắt đầu bước vào giai đoạn đơm bông kết trái, hiệp định Geneve của năm 1954 đã làm thay đổi tất cả. Nhiều chị em trẻ, khỏe phải ra đi lánh nạn không biết ngày nào trở về, chỉ còn lại số ít chị già yếu ở lại giữ “đồn”. Tuy nhiên, chính trong sự đau thương này, Hội Dòng đã lớn hơn gấp bội. Các chị ra đi tạo lập được một cơ sở mới tại Sài Gòn, các chị ở lại vượt qua thời kỳ khủng hoảng bắt đầu có những ơn gọi trẻ, dần dần phát triển và đi vào nề nếp. Nhờ vậy, ngày nay chị em Dòng Mân Côi có mặt ở cả hai miền nam bắc, thậm chí vươn xa tới tận hải ngoại. Đồng thời cũng qua biến cố này mà các bà, các chị đã để lại tấm gương can đảm và trung thành cho thế hệ trẻ của Dòng, giúp chị em ở mọi thời luôn can đảm dấn thân ra đi truyền giáo ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ cảnh huống nào, miễn là Chúa được vinh quang và các linh hồn được cứu độ.
3. Đặc sủng của Dòng
Chị em Mân Côi được mời gọi sống đặc sủng tận hiến cho việc tông đồ truyền giáo của Giáo Hội bằng con đường phục vụ mọi người trong các lãnh vực: giáo dục, từ thiện, xã hội và những hoạt động hữu ích cho Giáo Hội địa phương theo yêu cầu của đấng bản quyền.
Bên cạnh hoạt động truyền giáo làm vinh danh Chúa, cứu rỗi các linh hồn, chị em Mân Côi còn có sứ vụ nhiệt thành truyền bá lòng sùng kính Mẹ Maria Mân Côi cho các Ki-tô hữu, nhất là cho những người chị em có cơ hội phục vụ hay tiếp xúc.
4. Linh đạo của Dòng
Cùng với Mẹ Maria Mân Côi, người Mẹ nhưng cũng là người môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su, chị em Mân Côi nên thánh bằng con đường nhập thể cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô, lấy tinh thần đức ái Phúc Âm làm đầu, lấy Đức Ki-tô và tình yêu cứu độ của Ngài làm nền tảng sống. Chị em thánh hóa bản thân cũng như mọi cử chỉ, lời nói, hành động của đời mình bằng con đường nhập thể và phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô. Trong cuộc đời, chị em cố gắng diễn tả trọn vẹn con đường Đức Ki-tô đã đi qua: nhập thể, rao giảng, chết và phục sinh, sống trọn vẹn tâm tình của Đức Maria: vui, sáng, thương, mừng.
Câu châm ngôn sống của chị em Mân Côi là
Với Mẹ vì Mẹ Mân Côi
Yêu thương phục vụ ấy đời của con
Đời con một chuỗi Mân Côi
Hạt thương xen lẫn hạt Vui hạt Mừng.
5. Tổ chức và hoạt động của Dòng
a. Tổ chức
Cơ sở: Ngoài cơ sở nhà Mẹ đặt tại Trung Linh, dòng có 5 cộng đoàn lớn; 2 tu xá dành cho các chị em du học tại Sài Gòn và Hà Nội; 3 trung tâm phục vụ công tác xã hội: Trại Phong Văn Môn Thái Bình, Trại Mù Hải Long Nam Định và Trung tâm Bảo trợ Xã hội Xuân Trường; 26 cơ sở phục vụ tại các giáo xứ. Tổng cộng có 36 cơ sở hoạt động tại 5 Giáo phận: Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội và Sài Gòn.
Nhân sự: Hiện nay Dòng có tổng số 410 chị em, trong đó có 183 nữ tu khấn trọn đời, 96 nữ tu khấn tạm, 27 tập sinh, 15 tiền tập, 78 thỉnh sinh nội trú và ngoại trú, 11 chị ở bậc tận hiến (không tuyên khấn, nhưng trọn đời tận hiến phụng sự Chúa trong dòng Mân Côi).
Điều hành: Ban lãnh đạo của Dòng gồm 5 chị: chị Bề trên Tổng quyền, chị Phó Bề trên, chị Tổng Cố vấn Học vụ, chị Tổng Cố vấn Truyền giáo và chị Tổng Quản lý.
Đào tạo: Để trở thành một nữ tu Mân Côi, người nữ tu phải trải qua nhiều giai đoạn huấn luyện khác nhau: Thỉnh sinh ( 3 – 4 năm), Tiền tập (1 năm), Tập viện (2 năm), và Học viện (6 năm).
b. Hoạt động
Giáo dục: Giáo dục đức tin, nhân bản; dạy đàn nhạc; nuôi dạy mầm non và phát động chương trình khuyến học giúp người nghèo.
Y tế: Dòng có một bệnh xá tại Nhà Mẹ Trung Linh với 75 giường bệnh và tủ thuốc tại một số giáo xứ có các chị em phục vụ.
Xã hội: Phục vụ người phong, người khiếm thị; hoạt động trong tổ chức Caritas; tham gia công tác truyền thông của Giáo phận; đi thăm và cộng tác với hội Phanxicô phát quà cho người nghèo, người cô đơn; cộng tác với Caritas Bùi Chu khám bệnh phát thuốc từ thiện cho người dân vùng sâu vùng xa.
Mục vụ giáo xứ: Dạy giáo lý cho mọi lứa tuổi; phụ trách các đoàn hội trong giáo xứ; cộng tác phục vụ Thánh lễ, trang trí bàn thờ; đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân...
6. Điều kiện để gia nhập Dòng
Các thiếu nữ Công giáo muốn đáp lại tiếng gọi sống đời thánh hiến trong ơn gọi Mân Côi cần hội đủ những yếu tố sau đây:
Tuổi: Từ 18- 25 tuổi, trường hợp quá tuổi phải được tìm hiểu thêm.
Sức khỏe: Không mắc những căn bệnh lây nhiễm và mãn tính.
Trình độ văn hóa: Tối thiểu trung học.
Phán đoán: Quân bình.
Tác giả bài viết: Dòng Mân Côi
Đăng nhận xét